Liên hoan sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân": Những lát cắt đa chiều...
VHO- Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” lần thứ IV sẽ diễn ra từ 16.7 đến 4.8 tại Hà Nội, giải thưởng được tính thành tích nghệ thuật để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ theo quy định của Chính phủ.
Cảnh trong vở “Bão ngầm” của Nhà hát Cải lương VN
Sự kết hợp liên ngành giữa Bộ Công an, Bộ VHTTDL, Hội Nghệ sĩ sân khấu VN trong việc tổ chức đã “nâng tầm” giải thưởng bằng cách tính xét tặng danh hiệu chính là “lực hút” khi có tới 27 đơn vị nghệ thuật và 33 tác phẩm tham gia dự thi.
Đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu
Trao đổi với Văn Hóa, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó ban tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sân khấu toàn quốc về “Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân” nhận định: “Liên hoan năm nay không chỉ tăng về quy mô, số lượng tác phẩm tham dự mà còn có sự đa dạng về thể loại, trong đó có chèo, cải lương, dân ca kịch, kịch nói... Thu hút khá đông các đơn vị sân khấu công lập, ngoài công lập tham gia với các vở diễn được đầu tư dàn dựng công phu. Chính vì vậy mà Ban tổ chức sẽ đặt tiêu chí nghệ thuật lên hàng đầu để mang lại sự công bằng, khách quan cho một cuộc liên hoan mang tính chuyên nghiệp”. Vị Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác liên ngành giữa Bộ Công an, Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ sân khấu VN đã thể hiện sự quan tâm qua việc nâng tầm cho Liên hoan ở phạm vi toàn quốc và mang tính chuyên nghiệp cao. Liên hoan đã xới động lại tinh thần sáng tạo của các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ sân khấu cả nước sau thời gian bị gián đoạn bởi mùa dịch Covid-19.
Không chỉ thu hút được nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu ở nhiều loại hình tham gia, Liên hoan còn là dịp giới nghề thể hiện chất lượng về nội dung và giá trị của các tác phẩm. Đây cũng là lý do mà giải thưởng sẽ được tính vào thành tích nghệ thuật để các nghệ sĩ xét tặng danh hiệu theo quy định của Chính phủ. Cũng như các cuộc thi và liên hoan của Bộ VHTTDL và Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, số lượng giải thưởng cho vở diễn tại Liên hoan sẽ không vượt quá 35%, trong đó số lượng giải Vàng không vượt quá 35% tổng số cơ cấu giải thưởng; số lượng giải thưởng cá nhân không vượt quá 35% tổng số diễn viên; huy chương Vàng không vượt quá 35% cơ cấu giải thưởng. Giá trị giải thưởng của Liên hoan cũng khá hấp dẫn với mức 60.000.000 đồng (giải Vàng), 40.000.000 đồng (giải Bạc), 30.000.000 đồng (giải Đồng), ngoài ra còn có giải Khuyến khích và giải cho các cá nhân...
Vở "Bộ cảnh phục" của Nhà hát Tuổi trẻ
Sáng tạo nghệ thuật đã vượt qua ranh giới ngành nghề
Theo BTC, về kịch bản, đề tài phòng chống tội phạm ma túy có 11 vở; Điều tra phá án 10 vở; Đấu tranh loại bỏ tiêu cực 5 vở; Chống tệ nạn xã hội 2 vở; Chống tham nhũng tiêu cực 3 vở; Đấu tranh với các thế lực phản động 2 vở; đề tài chính luận khác 1 vở. Cụ thể, ở thể loại Chèo có 4 vở; Cải lương 6 vở; Dân ca kịch 5 vở; Kịch nói 18 vở. Điều thú vị là nhiều vở diễn đã khai thác cuộc sống bình dị thường ngày như các mối quan hệ với gia đình, người thân và cả với đồng nghiệp của người chiến sĩ Công an bên cạnh công tác chuyên ngành mà họ đảm nhiệm. Những hy sinh thầm lặng đằng sau chiến công và thành tích đã mang tới nguồn cảm hứng sáng tạo vô cùng dồi dào cho các ê kíp sáng tạo.
Lâu nay, đề tài này về các lực lượng vũ trang thường có phần khô khan và lệ thuộc vào chủ đề thì ở Liên hoan lần này, các tác giả, đạo diễn và ê kíp sáng tạo đã mạnh dạn khai thác sâu tâm lý của người chiến sĩ công an ở trên mọi lĩnh vực. Có vở khai thác người chiến sĩ công an khi bắt tội phạm cũng trĩu nặng tâm tư chứ không đơn thuần là sự hài lòng khi mình đã hoàn thành nhiệm vụ (Chuyên án Z5 của Nhà hát CAND); có vở tôn vinh sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an và người thân trong gia đình họ vì sự bình yên và an toàn xã hội (Bộ cảnh phục của Nhà hát Tuổi Trẻ); thậm chí, có vở còn mạnh dạn khai thác những hoàn cảnh éo le khi nữ cảnh sát đang làm nhiệm vụ mà lại yêu đối tượng điều tra, dẫu biết là sai nguyên tắc, nhưng qua góc nhìn nghệ thuật lại thấy không hề bị phản cảm (Bão ngầm của Nhà hát Cải lương VN)...
Tiếp cận một số kịch bản dự thi, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương chia sẻ: “Có xem mới thấy vai trò quan trọng của người chiến sĩ công an trên mọi mặt trận, mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đó là lý do khán giả sẽ không nhàm chán khi thưởng thức các tác phẩm tại Liên hoan, bởi sức sáng tạo của nghệ thuật đã vượt qua ranh giới của một ngành nghề hay một đề tài”.
Sự hiện diện của 27 đơn vị nghệ thuật với 33 vở diễn sẽ giúp cho các nghệ sĩ có được một cuộc “so găng” nghệ thuật đầy chất lượng. Những vở diễn này cũng sẽ góp phần làm phong phú cho kịch mục biểu diễn của các đơn vị và tạo cơ hội cho khán giả có thêm nhiều cơ hội thưởng thức các tác phẩm nghệ
thuật chất lượng cao trong thời gian tới.
THÚY HIỀN